KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Học tập và làm theo lời bác
Đăng ngày: 19/05/2025 - Lượt xem: 23
Nhớ Bác, ý thức về ngọn lửa Đổi mới-Khát vọng-Hành động

Thắp lên ngọn lửa Đổi mới-Khát vọng-Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, sánh vai các cường quốc năm châu vào năm 2045 cũng chính là đáp ứng mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Hôm nay - ngày 19/5/2025, đồng bào cả nước kỷ niệm lần thứ 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta, Người đã dành cả cuộc đời vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc cho nhân dân, góp phần quan trọng cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ, vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Nhìn trở lại cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy càng sáng rõ Người là biểu tượng của tình yêu nước chân chính và lòng nhiệt thành cách mạng.

Nơi Người, tình cảm, lý tưởng “Ái quốc” và tư tưởng, lý tưởng “Cộng sản” đã hoà quyện thành độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội để mở ra thời đại Hồ Chí Minh- thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) phát biểu tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp họp ở thành phố Tua. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản và là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp (12/1920). (Ảnh: TTXVN)

Hành trình đưa đến thời đại đó đánh dấu từ năm 1911, khi Người lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi “đêm trường nô lệ."

Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Cho tới năm 1920, khi cầm trên tay Luận cương của Lenin, Người hiểu rằng đã lựa chọn được con đường cứu nước, cứu dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này cũng khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”

Sau ba mươi năm ròng rã tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam vào năm 1941. Đặt chân tới Tổ quốc, Người đã cúi mình hôn lên nắm đất quê hương với niềm vui bừng lên được trở về đất nước.

Sự xúc động ấy, tình yêu nước sâu sắc ấy, lòng quyết tâm cứu nước, giải phóng nhân dân ấy đã làm thế giới chấn động vào 5 năm sau đó, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Sáng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TTXVN)

Tình yêu nước, thương dân vượt mọi giới hạn đó càng sáng rõ trong bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lại cho cuộc đời này: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

56 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người.

Chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, "thỏa lòng mong ước của Người."

Và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay.

Lúc này đây, chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để hiện thực hoá Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Chúng ta đang cách hai mươi năm nữa là tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bốc dỡ container lên tàu tại Cảng Quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm 2025 - năm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 135 của Người, cũng là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới. Nhìn lại chặng đường “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,” chúng ta tự hào và biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những cống hiến, hy sinh to lớn của chiến sỹ, đồng bào cả nước.

Song cũng càng ý thức rõ hơn những điều đã làm được và nhiều điều chưa làm được, những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước.

Ý thức những điều đó để sớm bắt tay thực hiện những giải pháp và hành động thiết thực! Bởi nếu chúng ta không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu. Lúc này đây là thời điểm để triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Và như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW vào ngày 18/5 vừa qua: Vì “biết đồng sức, biết đồng lòng/việc gì khó, làm cũng xong.”

Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.

Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới-Khát vọng-Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045. Đó cũng chính là đáp ứng mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh!./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan