Năm 2025, Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, thu hồi triệt để dự án treo, đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát nhằm giải phóng nguồn lực từ các dự án tồn đọng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tại nhiều địa phương, tình trạng dự án “treo,” công trình, nhà ở, đất công dôi dư không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích vẫn đang diễn ra và trở thành vấn đề “nhức nhối,” gây bức xúc cho dư luận và người dân.
Trong bài viết về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.”
Chính bởi vậy, năm 2025 Chính phủ xác định sẽ tăng cường công tác thanh tra, thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát nhằm giải phóng nguồn lực từ các dự án tồn đọng.
Mới đây, việc Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội và người dân.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh hai bệnh viện được Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng vẫn để bỏ hoang cho cỏ mọc vì không sử dụng được trong 10 năm qua thật sự là hình ảnh đáng suy ngẫm.
Lãng phí nguồn lực từng ngày, từng giờ
Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức từng mang theo bao nhiêu kỳ vọng của nhiều người, hứa hẹn là điểm đến khám chữa bệnh cho những bệnh nhân tại Hà Nam và những tỉnh, thành lân cận như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…, giúp giảm tải cho tuyến bệnh viện trung ương, nhưng xót xa thay, thực tế lại không được như vậy.
Hai dự án bệnh viện trên được khởi công từ đầu năm 2015, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành phần xây dựng. Nhà thầu đã dừng thực hiện từ tháng 1/2021 cho đến nay.
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định rõ thời gian chậm tiến độ của từng nhà thầu thi công. Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 triển khai 10 gói thầu xây lắp chính theo dạng hỗn hợp (mỗi dự án 5 gói thầu) với tổng giá trị hợp đồng đã ký 5.725,7 tỷ đồng; trong đó, 2 gói thầu XDBM-01, XDVĐ-01 có giá trị lớn nhất 4.389,9 tỷ đồng, (chiếm 76,6% giá trị hợp đồng của 10 gói thầu) đều có nhiều vi phạm về đấu thầu, xây dựng ở tất cả các khâu…
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện tượng “lãng phí” tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, có hệ lụy về vật chất như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả; có hệ lụy phi vật chất như việc lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân; gây nhức nhối trong dư luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước.

Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai diện tích 21ha, diện tích sàn 119.952m2, thuộc địa phận xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Công trình được thiết kế với quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng đang bị bỏ hoang, lãng phí. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Đây có thể coi là một điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công. Còn trên thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước, sự lãng phí vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với tình trạng hàng chục nghìn dự án “treo,” công trình, nhà ở, đất công dôi dư không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích gây bức xúc cho dư luận.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn còn gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống, chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án.
Không chỉ có căn hộ tái định cư bỏ không gây lãng phí, nhiều khu đất có vị trí đắc địa ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng quây tôn cho cỏ mọc.
Cụ thể như khu đất Thương xá Tax (rộng 9.000m2); khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (6.000m2); Khu đất 8-12 Lê Duẩn (hơn 4.800m2); khu đất tại Công viên 23/9 (rộng 53.500m2); khu đất nằm giữa tứ giác Lê Thánh Tôn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Trung Trực-Lê Lợi với tổng diện tích hơn 3.800m2...
Trong khi đó, thành phố Hà Nội cũng đang phân loại, đánh giá tổng thể các dự án có sử dụng đất từ năm 2008 đến nay, xác định nhóm vấn đề để đề xuất hướng xử lý phù hợp. Trước mắt, tập trung xử lý 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, do Ủy ban Nhân dân cấp huyện đề xuất kiến nghị.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020, tại thành phố Đà Nẵng có hàng nghìn dự án thuộc diện phải rà soát, xử lý vì liên quan 4 Kết luận của Thanh tra Chính phủ và 3 bản án hình sự phúc thẩm.
Từ đó, nhiều khu đất “vàng” bị bỏ hoang, chờ khắc phục kéo dài hàng chục năm như: dự án Khu đô thị Đa Phước 181ha; dự án Khu đô thị xanh Dragon City Park; dự án Khu số 4 mở rộng-Khu Đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn; dự án Tháp Đà Nẵng; khu đất 58 Bạch Đằng…
Liên quan tới tổng kiểm kê tài sản công, quản lý tài sản công sau sáp nhập tinh gọn bộ máy, trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết tính đến cuối 2024, cả nước còn hơn 11.000 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong việc lãng phí nguồn lực đất đai, dự án chậm tiến độ, đó là công tác quản lý nhà nước về đất đai lưu trữ qua các thời kỳ không đầy đủ hoặc thiếu tính chính xác, ảnh hưởng tới quá trình xác nhận hồ sơ làm căn cứ áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thêm nữa, một số dự án thực hiện trình tự thu hồi đất không bảo đảm quy định. Một số dự án không bố trí kinh phí một lần để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Phần lớn người dân trong vùng dự án không đồng thuận với việc thực hiện các dự án nên thiếu hợp tác.
Trong khi đó, một số sở, ngành, chủ đầu tư và cả cán bộ thực thi nhiệm vụ giải phóng mặt bằng còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây kéo dài thời gian thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai gây mất mát và có thể để lại hậu quả không kém so với tham nhũng, chính vì vậy các cấp chính quyền phải thực sự có trách nhiệm trước những dự án bỏ hoang, nhiều năm không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích.
“Chúng ta cần chế tài đến từng cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên, bởi chính quyền là đơn vị gần nhất giám sát, đôn đốc, theo dõi. Các cấp chính quyền phải vào cuộc, nếu là do yếu tố khách quan thì phải tìm cách tháo gỡ và thay đổi sao cho phù hợp với thực trạng chung. Nếu do yếu tố chủ quan, đối với một số dự án cố tình chậm triển khai, sử dụng sai mục đích để "găm" giá, đợi giá lên và trục lợi từ việc sử dụng sai mục đích sử dụng đất thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông Điệp nhấn mạnh.
Vào cuộc quyết liệt chống lãng phí
Không phải chỉ bây giờ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới được chú trọng mà trước đó Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cũng rất quan tâm triển khai quyết liệt thông qua các Nghị quyết, Công điện, chỉ thị và đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Cụ thể như Công điện số 112/CĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/11/2024 về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Ngay sau đó, ngày 1/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 125/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Mới đây, ngày 31/3/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 26/CĐ-TTg về việc khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công Quốc gia.
Cùng với đó, trong Báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hồi cuối tháng Tư, Chính phủ cũng xác định năm 2025 sẽ tăng cường công tác thanh tra, thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát nhằm giải phóng nguồn lực từ các dự án tồn đọng.
Trước sự đốc thúc của Chính phủ, Bộ Tài chính, các địa phương bước đầu cũng có những đề xuất về xử lý cơ sở nhà, đất công dôi dư sau sáp nhập, gửi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn cử tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất giải pháp điều chỉnh mục đích sử dụng cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; đồng thời chuyển đổi công năng, bố trí cho các đơn vị có nhu cầu hoặc phục vụ cộng đồng dân cư.
Còn tại tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả. Đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất…
Theo kế hoạch hành động năm 2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc đối với 109 dự án đầu tư công chậm tiến độ, trong đó ưu tiên xử lý các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài. Đặc biệt, đối với các dự án BT đang triển khai dở dang, thành phố chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thủ tục một cách chặt chẽ để đảm bảo tính pháp lý, sớm đưa các dự án về đích, tránh kéo dài gây lãng phí.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh Hà Nội đang triển khai đánh giá tổng thể về đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để rút kinh nghiệm, đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật không còn phù hợp, rút ngắn quy trình thực hiện dự án đầu tư, từ đó khắc phục những điểm nghẽn về thể chế và quy trình.
Song song với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo hướng tập trung xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, vướng mắc; tránh đầu tư dàn trải, chỉ triển khai dự án thực sự cấp bách, mang tính chiến lược như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường Vành đai 4, các tuyến xuyên tâm, các dự án xử lý môi trường…

Khu tái định cư Raly-Rào (Quảng Trị) bỏ hoang khiến nhà cửa xuống cấp, lãng phí. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Trong chỉ đạo mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác phòng, chống lãng phí, nhất là tập trung xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, góp phần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng; làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài; đề xuất phương án xử lý và xác định rõ thẩm quyền xử lý đối với từng công trình, dự án, không để đùn đẩy trách nhiệm, sớm đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng.
Lãng phí không chỉ là tổn thất về vật chất, mà là sự bào mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã cảnh báo.
Để khơi thông nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, không thể để hàng chục nghìn tỷ đồng tiếp tục bị "găm" trong những công trình bỏ hoang, dự án treo, đất vàng cỏ mọc.
Chống lãng phí giờ đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là mệnh lệnh từ thực tiễn, từ lòng dân - và là một phép thử đối với năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Hơn thế, đó còn là biểu hiện cụ thể của quyết tâm chính trị, là một trong những nội dung cốt lõi trong lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm xây dựng một nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/