Sáng 28/5, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan khác, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim dự Phiên thảo luận “Lưới thông minh: Kết nối thông qua AI tự chủ”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận. (Ảnh: THANH GIANG)
Phiên thảo luận này nằm trong chương trình Diễn đàn Kinh tế ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) 2025 nhằm đưa ra tầm nhìn của các nhà lãnh đạo khu vực về trí tuệ nhân tạo (AI) tự chủ, chuyển đổi số toàn diện, và vai trò của hợp tác ASEAN-GCC-Trung Quốc trong xây dựng hạ tầng số tin cậy và bao trùm. Phiên này mở đầu cho toàn diễn đàn, mang tính thiết lập định hướng. Cùng dự có Tổng Giám đốc Tập đoàn G42 (UAE) Tiểu Bình; Điều phối viên là Bộ trưởng Công thương Malaysia Tengku Zafrul Aziz.
Tại Phiên thảo luận, bàn về tự chủ AI, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, những vấn đề chúng ta gặp phải với AI hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu; do đó cần tăng cường đối thoại về AI, đưa vào các chương trình nghị sự Hội nghị Cấp cao và tận dụng sức mạnh của AI. Nếu không hiểu được AI, chúng ta khó bảo đảm quyền tự chủ, chủ quyền của mình.
Thủ tướng khẳng định AI không thể thay đổi, thay thế chúng ta mà chúng ta phải giữ lấy những giá trị của mình. Khi chúng ta trải qua các cuộc cách mạng về công nghệ thì đều phải thay đổi, có người lo lắng về sự thay đổi này, cũng có người tự tin hơn trong thời đại mới.
Các đại biểu lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi về vấn đề AI. (Ảnh THANH GIANG)
Trả lời về câu hỏi cách Việt Nam nhìn nhận về AI và sự hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN và GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mọi quốc gia đều coi phát triển AI là một trong những lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu hiện nay. Đối với ASEAN, đây là tâm điểm tăng trưởng, phát triển năng động, có nền văn hoá đa dạng, có nguồn nhân công đa dạng; khu vực GCC có nguồn năng lượng dồi dào, tài chính phong phú, có công nghệ, kinh nghiệm; do đó hai đặc điểm này đã nói lên sự bổ trợ cho nhau rõ ràng.
Sự bổ trợ này chính là sự kết nối của doanh nghiệp, kết nối 2 nền kinh tế, kết nối AI. Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên tất cả khía cạnh, ngành nghề, giao lưu học hỏi nhân dân; hài hòa hóa thể chế giữa hai khu vực; vừa phải quản trị, vừa phải bảo đảm phát triển.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trao đổi tại Phiên thảo luận. (Ảnh THANH GIANG)
Tổng Giám đốc Tập đoàn G42 Tiểu Bình nêu rõ, AI giờ đây có thể bắt chước suy nghĩ của con người. AI đang áp dụng vào 80% hoạt động trên thị trường. Thời gian tới, AI sẽ là một phần quan trọng không thể thiếu của con người. AI không chỉ là bắt chước suy nghĩ của con người mà sẽ giống như suy nghĩ của con người, do đó, thế giới cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng AI để đưa nhanh AI vào cuộc sống.
Hằng ngày, các trung tâm dữ liệu về AI tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó không một quốc gia nào có thể tận dụng được công nghệ do AI đem lại, do đó phải xây dựng mạng lưới AI trên toàn cầu như mạng lưới điện... Trong thời đại AI không thể thiếu điện. Hy vọng các nhà lãnh đạo cùng bắt tay phát triển mạng lưới AI.
Các đại biểu lắng nghe trao đổi của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh THANH GIANG)
Về hạn chế tác động tiêu cực của AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vấn đề là chúng ta phải khai thác điểm tốt của AI, hạn chế tiêu cực của AI, đặt ra cho chúng ta bài toán để suy nghĩ.
Theo Thủ tướng, trước hết phải khuyến khích sự phát triển AI càng mạnh, càng nhiều càng tốt; không nên lo ngại AI thay thế con người mà phải phát triển mạnh mẽ, tích cực. Vấn đề là phải phát triển mà kiểm soát được, đặt ra cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, công nghệ. Con người phát minh ra AI chứ không phải AI phát minh ra con người, do đó, AI không thể thắng con người, không thể làm con người mất đi sự sáng tạo, mất đi việc làm. Muốn vậy, chúng ta phải đoàn kết thống nhất quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương vì không ai, không một nước nào có thể giải quyết một mình vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Phải bảo đảm tiếp cận AI bình đẳng, vừa phải doanh nghiệp tự chủ, hội nhập, nhân văn trong phát triển AI.
Thủ tướng mong muốn các nước giàu, phát triển cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ các nước nghèo, các nước đang phát triển để phát triển AI, bảo đảm phát triển bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, bằng các công cụ cùng nhau xây dựng các cơ chế, chính sách hài hòa khuyến khích sự phát triển, kiểm soát mặt tiêu cực; phát triển hạ tầng chiến lược như cơ sở dữ liệu, điện, các hạ tầng cần thiết khác.
Điều quan trọng cần thiết nữa là nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động có đạo đức, nhân văn; có nguồn lực tài chính ưu đãi cho các nước nghèo, chậm phát triển; có sự chuyển giao công nghệ. Hiện nay, sự chuyển giao công nghệ này chưa được công bằng lắm, các nước nắm giữ nhiều công nghệ cao vẫn hạn chế trong chuyển giao. Vì vậy, những nước như Việt Nam vẫn phải tự mày mò, tìm tòi phát triển... Bối cảnh hiện nay, phải có hệ thống pháp lý, quy chuẩn; có sự phối hợp chặt chẽ ngày càng hiệu quả với tinh thần chính sách thông thoáng, kiểm soát được-hạ tầng thông suốt hiện đại-quản lý thông minh.
Ông Tiểu Bình bày tỏ, công nghệ về AI sẽ thay đổi tất cả, cả Việt Nam và Malaysia, thay đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đã qua thời điểm các quốc gia chú trọng xây dựng nhà máy sản xuất thông thường, bây giờ phải xây dựng hệ thống các nhà máy phải thật sự thông minh.
Malaysia có ngành công nghệ chíp bán dẫn rất tốt. Nếu coi chíp bán dẫn là cơ bắp thì các nhà khoa học là bộ não của AI. Việt Nam có ngành sản xuất rất tốt, khi chúng ta cùng hợp tác tốt thì có thể tạo mạng lưới AI. Mỗi quốc gia cần xác định vai trò trong mạng lưới này từ các vấn đề như nguồn nhân lực, điện…. Từng quốc gia cũng cần tìm ra vai trò mới của mình để có thể tạo ra sự thịnh vượng mới cho mình. Những quốc gia có tầm nhìn xa, suy nghĩ sâu thì có thể học hỏi, hiểu biết về sự thay đổi công nghệ hiện nay.
Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, chúng ta đã có những đối thoại thực chất giữa GCC, ASEAN và Trung Quốc vì các bên có chung một suy nghĩ cần áp dụng công nghệ mới tạo sự thay đổi. Nếu không có niềm tin thì các bên không thể hợp tác với nhau như ngày hôm nay. Thủ tướng rất vui mừng vì ASEAN, GCC và Trung Quốc đã gạt bỏ mọi trở ngại để ký được thoả thuận hợp tác. Ngoài những vấn đề cơ bản như kinh tế, thương mại, đầu tư thì các bên đã chú trọng đề cập hợp tác về công nghệ mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí ý kiến của Thủ tướng Malaysia về hợp tác; nêu rõ đây là sự nỗ lực của Malaysia đóng vai trò quyết định, có sự hỗ trợ của GCC và Trung Quốc; cho rằng 3 khu vực sẽ hỗ trợ nhau, bổ sung nhau để làm tăng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng phát triển, cùng thắng, cùng hưởng niềm vui và hạnh phúc về thành quả chung.
Nguồn: https://nhandan.vn