KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915 - 01/7/2025); KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2025) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 02/07/2025 - Lượt xem: 39
Luật Cán bộ, công chức 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025

Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức... hoạt động vì sự phát triển của đất nước và phục vụ nhân dân.

Các kỹ sư trẻ thử nghiệm mô hình lưới điện. (Ảnh: TTXVN phát)

Luật Cán bộ, công chức 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật đã bám sát các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt là các Nghị quyết số 57-NQ/TW, số 59-NQ/TW, số 66-NQ/TW và số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện tư duy đổi mới, tạo hành lang pháp lý đồng bộ công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Căn cứ các điều khoản của Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật.

Ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của Luật kể từ ngày 1/7/2025, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức.

Đổi mới phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ cho biết), Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức gồm 6 chương, 73 điều, thay thế các Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP), Nghị định số 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nghị định này đã quy định chi tiết những nội dung đổi mới của Luật về thống nhất quản lý công chức từ Trung ương đến cấp xã; đổi mới phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm.

Nghị định quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, nội dung, hình thức, trình tự thủ tục thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức phù hợp với từng vị trí việc làm có thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc tiếp nhận vào làm công chức lãnh đạo, quản lý đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; quy định việc bố trí, phân công công tác bảo đảm phù hợp giữa quyền hạn và nhiệm vụ được giao gắn với vị trí việc làm; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác theo đúng yêu cầu vị trí việc làm.

Theo Nghị định 170, các trường hợp thay đổi vị trí việc làm được xếp ngạch tương ứng khác ngạch hiện giữ; đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý công chức, giảm thủ tục hành chính như bỏ thi nâng ngạch; không quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia.

Quy định chuyển tiếp đối với một số trường hợp đang bị tạm dừng tuyển dụng trước ngày 1/12/2024, người đang thực hiện tập sự, việc xếp ngạch công chức tương ứng với chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm...

Đề cao trách nhiệm của công chức

Nghị định số 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức với 7 chương, 42 điều, thay thế Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP).

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, điểm mới trong Nghị định là quy định đào tạo, bồi dưỡng công chức theo nguyên lý quản lý công chức theo vị trí việc làm, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác sử dụng, bổ nhiệm và quản lý công chức.

Đề cao trách nhiệm của công chức trong việc tự nghiên cứu, học tập và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của ví trí việc làm; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương, ở địa phương và cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Đồng thời, Nghị định quy định tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; bỏ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Công chức lãnh đạo, quản lý phải tham gia bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước sau khi được bổ nhiệm.

Đối với Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho hay, hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý và hình thức hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã được lược bỏ; bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, đồng bộ với sử dụng kết quả đánh giá công chức theo quy định mới của Luật.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp loại trừ, miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật để thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (sửa đổi, bổ sung tại Quy định số 264-QĐ/TW) , Quy định số 296-QĐ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nghị định gồm 5 chương, 30 điều, thay thế quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP).

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Thông tin liên quan đến Nghị định số 173/2025/NĐ-CP về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, đây là cơ chế mới được quy định trong Luật Cán bộ, công chức để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, chất xám, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước.

Nghị định quy định ký hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của công chức, đặc biệt là ký hợp đồng với nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý mang tính chất chiến lược, đột xuất, cấp bách; ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện những công việc mang tính chất hành chính hoặc những công việc mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được.

"Kinh phí thực hiện ký kết hợp đồng do ngân sách nhà nước bố trí tối đa bằng 10% tổng quỹ tiền lương (bao gồm lương và các khoản phụ cấp lương) và tiền thưởng, nằm ngoài quỹ lương, ngoài kinh phí khoán chi hành chính theo biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được dự toán trong ngân sách hằng năm," ông Dũng thông tin.

Nghị định số 173/2025/NĐ-CP gồm 3 chương, 16 điều.

"Việc ban hành Luật Cán bộ, công chức và các nghị định hướng dẫn là bước cụ thể hóa quan trọng nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác cán bộ, chế độ công vụ, đặc biệt là thể chế hóa các nghị quyết đột phá được khẳng định là ‘Bộ tứ trụ cột’ phát triển của đất nước, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động vì sự phát triển của đất nước và phục vụ nhân dân,” Vụ trưởng Nguyễn Quang Dũng chia sẻ./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan