Thời gian qua, cơ quan chức năng trong cả nước phát hiện, xử lý, triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng công dụng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm theo quy định.
Mới đây, kiểm tra tại quầy thuốc Du Mỹ, địa chỉ tại xã Đào Dương (Ân Thi), Đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện nhiều hành vi vi phạm quy định về kinh doanh thuốc và quảng cáo. Chủ cơ sở kinh doanh thuốc Du Mỹ, Dương Thị Du thừa nhận: Sản phẩm Alphamycon, Emtricitabine không có công dụng đào thải vi rút HPV, không có chữ “đào thải HPV” được ghi ở tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm mà sản phẩm chỉ có tác dụng tăng miễn dịch, đề kháng, nâng cao sức khỏe. Việc quảng cáo như vậy là không đúng công dụng của thuốc, thổi phồng công dụng của sản phẩm. Ngoài ra, Giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) của quầy thuốc Du Mỹ đã hết hạn, cơ sở chưa nộp hồ sơ đánh giá lại theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, quầy thuốc niêm yết giá không đầy đủ các mặt hàng thuốc.
Sở Y tế kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh thuốc tại một cơ sở kinh doanh thuốc ở huyện Ân Thi (Ảnh minh họa)
Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2025, gần 20 cơ sở kinh doanh thuốc bị xử phạt vi phạm hành chính, chiếm trên 30% số cơ sở được tiến hành kiểm tra.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Chủ cơ sở kinh doanh thuốc khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) đã hết hạn, cơ sở chưa nộp hồ sơ đánh giá lại theo quy định; không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược tại cơ sở; để lẫn các sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo quy định.
Trong số các cơ sở có vi phạm này chưa phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc giả. Tuy nhiên trước đó, Sở Y tế đã kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Lê Văn Khanh (Khoái Châu) bán dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm chất lượng; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sở đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng. Tháng 9/2024, Sở Y tế kiểm tra quầy thuốc Thành Thủy (Văn Lâm) phát hiện hành vi mua bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 1 theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trong cơ sở có 160 viên Cefixim 200 do Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long sản xuất là thuốc giả. Vụ việc tiếp tục được chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Tìm hiểu thực tế trên thị trường cho thấy, việc vi phạm các quy định về kinh doanh dược còn diễn ra khá phổ biến như: Bán thuốc không có đơn của bác sĩ, bán thuốc theo gói thuốc tổng hợp... Chủ một cửa hàng thuốc tại thành phố Hưng Yên cho biết: Trong số 21 loại thuốc giả do Bộ Y tế công bố mới đây có một số loại thuốc vẫn được mời chào như viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên; viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên. Tôi biết rõ là thuốc giả nên không nhập bán. Nhưng có nhiều người vẫn hỏi mua. Theo chủ quan của tôi, vẫn có cơ sở vì lợi nhuận mà bán loại thuốc đó. Chủ quầy thuốc này tiết lộ thêm, người mua cần thận trọng với các sản phẩm thuốc đông y điều trị các bệnh xương khớp dạng hoàn không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân uống một lần đã cảm nhận giảm đau rõ rệt nhưng sau một thời gian cơ thể tích nước. Sản phẩm này thường bị pha trộn thuốc giảm đau và nhóm Corticoid.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,5 nghìn cơ sở kinh doanh thuốc với hàng nghìn sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh cũng tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Năm 2024, có 684 mẫu thuốc được lấy kiểm nghiệm (các mẫu đều đạt chất lượng), tuy vượt kế hoạch song so với thực tế thì tỉ lệ còn thấp.
Đồng chí Trần Văn Khuyến, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Hiện nay, Sở Y tế tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở có vi phạm được phát hiện và tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận đơn, thư, thông tin của người dân qua đường dây nóng phản ánh nội dung thuộc lĩnh vực y tế quản lý, trong đó có lĩnh vực kinh doanh thuốc để tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Nguồn: https://baohungyen.vn/