KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Chính trị
Đăng ngày: 16/05/2025 - Lượt xem: 24
Cơ hội làm chủ công nghệ số

Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm tạo cú huých mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này hướng theo 4 mục tiêu lớn. Trong đó, có mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp lớn vào GDP. Đó chính là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 9/5 khi làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. (Ảnh: NHẬT BẮC)
Cơ chế ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số, phát triển hạ tầng số dùng chung, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân tài và thử nghiệm công nghệ có kiểm soát là những nội dung cốt lõi được xây dựng trong dự thảo lần này.
Nội dung đáng chú ý trong dự thảo đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ nội địa, chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ lõi, sáng tạo sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn được xác định là lĩnh vực chiến lược sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi riêng biệt, tạo lợi thế cạnh tranh và nắm bắt thời cơ dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo còn đưa ra các chính sách ưu đãi mang tính hệ thống, bao trùm toàn bộ chuỗi phát triển ngành gồm hỗ trợ tài chính, hạ tầng, thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu, đất đai và thủ tục hải quan.
Chính sách khuyến khích đầu tư đào tạo, miễn giấy phép lao động, cấp visa 5 năm, học bổng và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia; hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, chi phí đầu tư vào cơ sở nghiên cứu được tính vào chi phí trừ thuế.
Cùng với việc Nhà nước đầu tư các hạ tầng thiết yếu, tư nhân được khuyến khích xây dựng hạ tầng công nghệ số và phát triển các khu công nghệ tập trung. Trong hỗ trợ mở rộng thị trường sản phẩm công nghệ số, đặc biệt ưu đãi trong thuê hoặc mua sắm sản phẩm bằng vốn ngân sách nhà nước.
Đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số, dự thảo lần này xác lập rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), bao gồm các quy định về nguyên tắc triển khai, tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền lợi của người dùng và miễn trừ trách nhiệm đối với các rủi ro khách quan trong thử nghiệm.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng quy định khung cơ chế sandbox tại Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, vừa để bảo đảm tính đồng bộ pháp luật, vừa để từ đó Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực.
Các nhà khoa học cho rằng, sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu và đào tạo không chỉ thúc đẩy hình thành đội ngũ nhân lực công nghệ chất lượng cao, mà còn tạo điều kiện triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược.
Đặc biệt, việc đầu tư phát triển phòng thí nghiệm dùng chung, nâng cấp hạ tầng nghiên cứu sẽ là nền tảng thiết yếu để Việt Nam có nhiều cơ hội làm chủ công nghệ lõi.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, khi triển khai các mô hình liên kết, hợp tác có thể chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại và chấp nhận sự chưa hoàn thiện. Đây là 3 điểm chú ý trong nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ hiện nay.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mang kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ hình thành một ngành công nghiệp mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa là động lực nội sinh cho chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo này được đánh giá không chỉ là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho một ngành công nghiệp mới nổi, mà còn góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời tạo nền tảng cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào xu thế công nghệ toàn cầu.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số một cách kỹ lưỡng, toàn diện, bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội thông qua ngay trong Kỳ họp thứ 9 này.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan